Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Thông báo


THÔNG BÁO
(v/v mở thêm hai chuyên mục mới trên website Trần Tộc)


     Ban biên tập Trần Tộc trân trọng thông báo cho toàn thể bà con trong nước và hải ngoại được biết:
    Để cho các con cháu Nội Ngoại trong dòng Tộc hiểu biết sơ lược về cội nguồn của dòng Họ Trần Công và lịch sử của Trần Tộc Từ Đường, đồng thời cũng tạo mối liên lạc mật thiết ngày càng bền vững hơn, lớn mạnh hơn, ban biên tập đã mở thêm hai mục trên Website Trần Tộc với tiêu đề:
      1. Lược sử Từ Đường
      2. Liên hệ ( nhịp cầu Trần Tộc )
Mời bà con mở Website Trần Tộc để xem nội dung chi tiết .

                                    T.MBAN BIÊN TẬP TRẦN TỘC.
                                     Trần Công Khanh 

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

LƯỢC SỬ TỪ ĐƯỜNG TRẦN TỘC


Tộc sử Họ Trần Công 
và việc di cấu Từ Đường 

từ Tiên Nộn lên Dương Xuân
                                   Bên kia rặng thông xanh,
                                Núi Chữ mấy gò, công đức cù lao còn mãi đó.
                                Vượt trên giòng sóng biếc,
                             Cồn Tiên một cõi, huân danh sự nghiệp vốn từ đây.


Lễ LẠC THÀNH Từ Đường năm 1944
(Di cấu từ Tiên Nộn lên Dương Xuân)
Gia-phổ của một nhà, Tộc-phổ của một họ, cũng như Quốc-sử của một nước. Một nước cần phải có sử, biên chép những việc hay, việc dở của một nước, một nhà cũng có gia-phổ, biên chép việc phải, việc trái của một nhà. Lớn nhỏ quan hệ tuy khác nhau, nhưng mục đích thời là một: để làm gương, giáo huấn đời sau. Sở dĩ làm sao mà thịnh vượng mà phồn vinh, lại sở dĩ làm sao mà suy vi, mà truỵ lạc, đó là những câu hỏi của những vị Minh-Quân, Lương-Tể, các bậc Chí-Sĩ, Năng-Thần, cần suy xét việc ký tải trong sử-sách, mà tự trả lời, để làm việc nước. Một kẻ tu-nhân, mỗi người một hướng dẫn, há lại không muốn biết công phu của Ông-Cha, sự nghiệp của Tổ-Tiên, để lo việc nhà sao?
 Vả lại gia-tộc là nền tảng của xã-hội, của quốc-gia, gia-tộc truỵ lạc, thời quốc-gia phải suy-vi, rời rạc, Gia-Tộc lại là cội rễ, là mày mặt của cá nhơn, một gia-tộc thịnh vượng thì mỗi phần tử của gia-tộc ấy, tức là tử tôn miêu duệ, đều được nương lấy cội rễ, vững vàng, mà được mở mang mày mặt.
 Xem thế thời việc chép sử của một gia-tộc thật là một việc cần. Cụ Tằng-Tổ chúng ta là Cụ Độn Chuối đã nhận thấy sự cần thiết ấy, nên Cụ đã sưu tập sử tích các tiền đại, rồi trong năm Tự-Đức thứ 22, năm Kỷ-Tị 1869, lược biên thành tập gia-phổ. Họ Trần ta nhờ thế mà có Gia-phổ, sử ký từ ấy trở đi. Con trưởng Cụ là Cụ Độn Chè Trần-Bình làm Thượng-Thơ triều Tự-Đức chép tinh lại rồi làm bài tựa.
 Nay trước giả viết tập lược biên này, trước hết là tóm lược sự tích họ nhà ta từ đời Cụ Sơ-Tổ cho đến khi có nhà thờ, đoạn này chỉ biên chép những điều khái yếu, để xem cho có mạch lạc dễ hiểu mà thôi.
 Đoạn sau từ khi có nhà thờ ở Vạn-Xuân, rồi lại không có, rồi sau lại có ở Tiên-Nộn, cho đến khi dời lên Dương-Xuân, công việc chi tiết hơi nhiều nên chi cần phải biên chép cho rõ, để đời sau biết đúng sự thật, lãnh hội tất cả duyên do, tự phán chỗ công, chỗ quá, ấy là ý nguyện của trước giả vậy.
Các áng Thờ bên trong Từ Đường năm 1944
 Họ ta nguyên ở Bắc-Kỳ, làng Tiên-Du, huyện Tiên-Du, tỉnh Bắc-Ninh. Sơ-Tổ, tức là đời thứ nhất, Cụ Công-Quý, các đời trước xa nữa không thể nhớ được, theo Đức Thái-Tổ Gia-Dũ Hoàng-Đế vào Phú-Xuân, rồi lập nghiệp, nhập tịch làng Tiên-Nộn. Lúc bấy giờ vào năm Mậu-Ngọ (1558).